Counter
Chúa Giêsu thân mến,

Người ta chỉ trích con ":Ông ấy là Giám Mục, là Hồng Y, ông ấy viết thư đi lung tung đủ cả bốn phương tám hướng. Cho Mark Twain, cho Péguy, cho Castella, cho Pénélcpe, cho Dickens, cho Marlowe, cho Goldoni và cho bao nhiêu người nữa đố ai mà biết được. Thế mà ông ấy không dành lấy được một dòng chữ nào cho Đức Yêsu cả."

Chúa biết đó, đối với Chúa, con vẫn gắng chuyện trò liên tục. Thật khó mà diễn tả được bằng thư từ, vì đây là những chuyện riêng tư. Và lại, con quá nhỏ bé. Và lại, thật là cả một vấn đề khi viết cho Chúa, viết về Chúa, sau bao nhiêu là sách vở đã được dành cho Chúa. Vả lại, có sẵn Tin Mừng rồi. Như viên đạn vượt hẳn tốc độ mũi tên thời bán khai, Tin Mừng cũng vượt tất cả các sách vở khác.

Dẫu sao thì đây là thư của con. Con vừa viết vừa run trong điều kiện của một người câm điếc đáng thương đang cố diễn tả để được hiểu với tâm trạng của Yêrêmia đã từng ngại ngùng thốt lên :"Lạy Chúa, con chỉ là một đứa trẻ thơ, con không biết nói gì...".

Philatô khi đưa Chúa ra trước dân chúng có nói :"Đây là Người". Ông ta tưởng là mình biết rõ Chúa, nhưng ông ta lại chẳng biết mảy may gì về tấm lòng của Chúa, tấm lòng đã tỏ ra dịu hiền và nhân hậu, bao nhiêu lần và bao nhiêu cách...

Ngày nay, ai cũng đòi đối thoại. Con đã đếm kỹ các lần Chúa đối thoại trong Tin Mừng. Có tất cả 86 lần : 37 lần với các đồ đệ, 22 lần với dân chúng, 27 lần với kẻ chống đối...

Ngày mà Chúa công bố :"Phúc cho những kẻ nghèo khó, phúc cho những ai bị bách hại", con đã không có ở đó. Chứ nếu con mà đã ở bên cạnh Chúa thì hẳn là con đã nói nhỏ với Chúa rằng :"Chúa ơi, xin thương giùm con một chút mà đổi kiểu nói đó đi, nếu như Chúa muốn còn có người đi theo Chúa. Chúa không thấy là thiên hạ đều ham giàu có tiện nghi hay sao ? Caton đã hứa hẹn với binh lính của ông những trái vả ở Phi Châu, còn César thì hứa hẹn những của cải bên xứ Gaule, nên binh lính đã đi theo họ, tốt xấu gì cũng thế thôi. Còn Chúa, Chúa lại đi hứa hẹn sự nghèo khó và sự bách hại. Chúa muốn ai mà theo chúa bây giờ ?".

Counter

Counter
*
Counter
Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người thiện nguyện bảo vệ dân sự

VATICAN - Trưa ngày 6-3-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến và nhiệt liệt ca ngợi vai trò của những người thiện nguyện bảo vệ dân sự tại Italia.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại đại thính đường Phaolô 6 có 7 ngàn người, đại diện cho 1 triệu 300 ngàn người thiện nguyện bảo vệ dân sự, thuộc hơn 3 ngàn tổ chức tại Italia. Họ là những người dấn thân giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, hoặc trong những người hợp khẩn cấp.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC không quên cám ơn những người thiện mguyện bảo vệ dân sự đã giúp đỡ các bạn trẻ quốc tế trong dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Roma hồi năm Thánh 2000 hoặc dịp qua đời của Đức Gioan Phaolô 2. Chính ĐTC cũng đã đích thân chứng kiến lòng tận tụy phục vụ của các nhân viên này, giúp đỡ các nạn nhân động đất ở miền Abruzzo, trong cuộc viếng thăm của ngài tại thành phố L'Aquila hồi tháng 4 năm ngoái.

ĐTC nhận xét rằng: ”Sứ mạng của những người thiện nguyện bảo vệ dân sự không phải chỉ là hành động và điều hành trong trường hợp khẩn cấp, nhưng còn là đóng góp tức thời và đầy công trạng vào việc thực thi công ích. Ích chung vẫn luôn là chân trời cuộc sống chung của con người, và nhất là trong những lúc bị thử thách cam go... Hình ảnh người Samaritano nhân lành trong Phúc âm dạy chúng ta rằng đi xa hơn giai đoạn cấp thiết và giúp trở lại tình trạng bình thường. Người Samaritano băng bó vết thương người bị ngã quị trên đất, nhưng sau đó ủy thác cho chủ nhà trọ, để được phục hồi sau khi vượt qua giai đoạn khẩn cấp”.

ĐTC đặc biệt đề cao lòng bác ái của các nhân viên thiện nguyện và nói rằng: ”Những người thiện nguyện không phải là những người ”lấp đầy chỗ trống” trong hệ thống xã hội, nhưng là những người thực sự góp phần họa lại khuôn mặt nhân bản và Kitô của xã hội. Nếu không có những người thiện nguyện, thì công ích và xã hội không thể kéo dài, vì sự tiến bộ và phẩm giá của xã hội phần lớn tùy thuộc những người chu toàn nghĩa vụ trong xã hội”.

ĐTC nhắn nhủ rằng: “Ngoài việc bảo tồn lãnh thổ, anh chị em hãy luôn luôn trở thành những hình ảnh sống động của người Samaritano nhân lành, quan tâm đến tha nhân, nhắc nhớ về phẩm giá con người và khơi lên niềm hy vọng. Khi một người không chỉ giới hạn vào việc chu toàn nghĩa vụ trong đời sống nghề nghiệp và gia đình, nhưng còn dấn thân cho tha nhân, thì con tim của họ mở rộng. Ai yêu mến và phục vụ người khác như tha nhân một cách nhưng không, thì họ sống và hành động theo Tin Mừng và tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội. Giáo hội vẫn luôn nhìn con người toàn diện và muốn làm cho họ cảm thấy tình thương của Thiên Chúa”. (SD 6-3-2010)

Counter